Thị trường bông thế giới và tác động của đạo luật cấm nhập khẩu bông Tân Cương
Các loại bông phổ biến hiện nay trên thế giới Bông hay còn gọi là cotton là vật liệu dệt may có từ lâu đời và vẫn còn phổ biến và ưa chuộng đến hiện nay bởi khả năng thấm hút mồ hôi tốt, thông thoáng, mềm mại, thân thiện với làn da và có […]
Các loại bông phổ biến hiện nay trên thế giới
Bông hay còn gọi là cotton là vật liệu dệt may có từ lâu đời và vẫn còn phổ biến và ưa chuộng đến hiện nay bởi khả năng thấm hút mồ hôi tốt, thông thoáng, mềm mại, thân thiện với làn da và có nguồn gốc từ tự nhiên.
Trong thương mại, bông được chia thành một số nhóm chính sau:
- Bông Pima: Được biết như loại bông mảnh và dài nhất có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Tây Nam Mỹ. Bông Pima cực mềm mại và vải bông Pima rất được săn đón vì nó có khả năng bền màu, chống mòn rách và chống nhăn tốt. Trong đó, bông Supima® được sử dụng để chỉ bông Pima chất lượng cao (Extra-long staple fiber – ELS) được trồng ở Mỹ. Supima® là tên thương mại đã được đăng ký thương hiệu. Người trồng, nhà máy dệt, nhà sản xuất và thương hiệu cần phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng để đạt được chuẩn mới được gọi là bông Supima®.
- Bông Ai Cập: Rất giống với bông Pima được trồng ở thung lũng sông Nile ở Ai Cập. Khả năng hút ẩm tốt, màu sắc đẹp và bền hơn. Bông Ai Cập được thu hoạch bằng tay để đảm bảo mức độ tinh khiết cao nhất.
- Bông Upland: Có xơ ngắn và chiếm khoảng 90% tổng sản lượng bông của thế giới.
- Bông hữu cơ – organic cotton: Là bất kỳ loại bông nào được trồng mà không có hóa chất, thuốc trừ sâu và từ cây trồng không biến đổi gen.
- Bông BCI (Better Cotton Initiative- BCI): là loại bông trồng bằng cách sử dụng hợp lý nước, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, để giảm ảnh hưởng đến môi trường của bông nông nghiệp.
Tùy vào đặc điểm sản phẩm dệt may và chất lượng mà người mua sẽ lựa chọn loại bông phù hợp.
Các sản phẩm vải tại synex
Tổng quan tình hình ngành bông của thế giới
Ngành nông nghiệp trồng bông và phân bố
Bông được trồng ở các khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới nóng khô phân bố chủ yếu ở Bắc bán cầu và một số ít ở Nam bán cầu. Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và Pakistan là các nước dẫn đầu và đóng góp hơn 3/4 sản lượng bông toàn cầu. Ngoài ra, còn có một số quốc gia khác cũng có ngành bông phát triển như Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Benin (Tây Phi), Hy Lạp.
Ngành nông nghiệp trồng bông phụ thuộc nhiều vào các yếu tố giống, vụ mùa, thời tiết, thổ nhưỡng và sâu bệnh. Vì vậy, sản lượng bông qua từng năm đều có sự biến động. Tùy khu vực địa lý mà thời gian mùa vụ cũng thay đổi. Hàng năm, mùa thu hoạch sẽ bắt đầu từ khoảng giữa tháng 7.
Sự biến động của giá bông nguyên liệu
Giá bông quốc tế dự kiến sẽ giảm do nhu cầu bông thế giới vẫn chịu áp lực từ sợi tổng hợp, đặc biệt là Polyester. Giá bông có xu hướng theo giá trung bình Polyester chỉ cao hơn 5% từ năm 1972 đến năm 2009.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch lớn giữa yếu tố sản lượng mùa vụ, lượng dự trữ thế giới và nhu cầu tiêu thụ dẫn đến sự biến động giá bông nguyên liệu. Trong năm 2010-2011, giá bông đã tăng hơn gấp đôi do sự tăng cao đột ngột của giá dầu, giá Polyester và nhu cầu tiêu thụ bông rất lớn.
Nhưng sau đó, giá bông dần hạ nhiệt do nhu cầu bông từ Trung Quốc và giá Polyester đều giảm dần (dự trữ của Trung Quốc giảm dần cho đến năm 2014 và giá Polyester giảm đến 2015-2016).
Có nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự biến động giá trong tương lai nhưng sự lặp lại đỉnh giá như năm 2010-2011 dường như khó có thể xảy ra với nguồn dự trữ bông toàn cầu cao hơn.
Trong làn sóng đóng cửa đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, giá bông nguyên liệu đã giảm mạnh vào mùa xuân năm 2020. Sự bùng phát của đại dịch đã khiến người tiêu dùng từ các cửa hàng, với các nhà bán lẻ hàng may mặc bị ảnh hưởng nặng nề. Mức giảm sản lượng bông trong niên vụ thị trường 2020-2021 là mức cao nhất kể từ năm 2016 vì một số nguyên nhân như giá ngô và đậu tương đã tăng so với giá bông trước khi xảy ra cú sốc COVID, gây áp lực giảm diện tích trồng bông ở một số quốc gia. Một nguyên nhân khác là tại Mỹ, diện tích thu hoạch bị giảm do thời tiết bất lợi.
Đạo luật cấm nhập khẩu bông Tân Cương và tác động
Nội dung đạo luật
Đạo luật chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ – Tân Cương (The Uyghur Forced Labor Prevention Act – UFLPA) được ban hành bởi Tổng Thống Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2021. Đạo luật đề cập đến bất kỳ sản phẩm, hàng hóa được sản xuất một phần hoặc toàn bộ ở Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc, có liên quan đến chính quyền Khu tự trị sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Vì cho rằng, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và bắt họ lao động cưỡng bức từ năm 2017.
Tác động của đạo luật đến tiêu thụ bông thế giới và Việt Nam
Trung Quốc là quốc gia có chuỗi công nghiệp dệt may hoàn chỉnh nhất và nhiều chủng loại sản phẩm. Trong đó, Tân Cương là vùng sản xuất bông lớn trên thế giới, sản xuất 5,27 triệu tấn bông hàng năm vào năm 2021, chiếm 91% sản lượng quốc gia và khoảng 20% tổng sản lượng của thế giới. (Theo Hiệp hội Bông Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia).
Lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt là các nước nhập khẩu bông chủ yếu từ Trung Quốc. Việc Mỹ tẩy chay bông Tân Cương sẽ làm định hình lại chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu rất đan xen, phụ thuộc lẫn nhau nên các nhà sản xuất ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á như Việt Nam và Bangladesh có thể gặp trở ngại trong việc chuyển nguồn cung ra khỏi Trung Quốc.
Hiện tại, Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Cụ thể, Đạo luật này ảnh hưởng đến những đơn hàng mà các nhãn hàng đã ký với các doanh nghiệp. Các nhãn hàng sẽ phải dừng các đơn hàng có vải, sợi xuất xứ từ bông Tân Cương sẽ không thể được mua bán vào thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, việc rà soát nguồn gốc nguyên liệu cũng được thực hiện một cách chặt chẽ hơn gây nhiều bất tiện, yêu cầu chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ khi hàng hóa xuất đi thị trường Mỹ.
Lao động cưỡng bức sẽ là một vấn đề thương mại được ưu tiên trong tương lai gần, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở những quốc gia khác như Canada, Mexico,… Xóa bỏ lao động cưỡng bức cũng là một điều khoản được đưa vào hai hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU). Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhận thức rằng hoàn cảnh đã thay đổi và phải có ứng phó thích hợp để có lợi thế cạnh tranh tốt hơn.
Dự báo về thị trường bông trong tương lai
Theo dự báo kỳ vọng, sản lượng bông thế giới sẽ tăng 1,5%/ năm để đạt 28 triệu tấn vào năm 2030. Mức tăng trưởng này sẽ đến từ việc mở rộng diện tích trồng bông (0,5%/ năm) và tăng trưởng sản lượng trung bình toàn cầu (1% / năm).
Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn là nhà nhập khẩu bông thô hàng đầu trong thập kỷ tới, tiếp theo là Việt Nam và Bangladesh.
Hoa Kỳ sẽ vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong suốt giai đoạn phát triển kỳ vọng. Xuất khẩu của nước này đã ổn định trong những năm gần đây, nhờ phục hồi từ mức thấp vào năm 2016.
Về mặt sản xuất, các dự báo nhạy cảm về sâu bệnh, điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai như hạn hán và bão, là các yếu tố bất định và khó đoán.
Căng thẳng thương mại quốc tế, tăng thuế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài đã tạo ra một số áp lực đối với các lô hàng có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Thêm vào đó, đạo luật cấm nhập khẩu bông Tân Cương như một sự tăng cường cô lập Trung Quốc – nhà sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ dệt may lớn nhất thế giới.
Mặt khác, sự cạnh tranh từ Polyester, nền kinh tế toàn cầu chịu suy thoái sâu từ khủng hoảng COVID-19 và sau đó là lạm phát tăng cao từ cuộc khủng hoảng năng lượng làm giảm sức mua của của người tiêu dùng.
Nhưng nhìn về mặt tích cực, mức tiêu thụ hàng dệt may sẽ có thể cải thiện khi thương mại thế giới được phục hồi. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ kéo mức tiêu thụ hàng dệt bông trên đầu người tăng lên khi thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa nhanh.
Các xu hướng nhu cầu khác có thể ảnh hưởng đến các dự báo. Ví dụ, hoạt động tái chế của ngành dệt may đang tạo ra một thị trường thứ cấp cạnh tranh cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất hàng dệt may chất lượng thấp hơn và các sản phẩm không phải hàng may mặc. Tuy nhiên, ở các nước thu nhập cao dường như ngày càng có nhiều người tiêu dùng ưa chuộng các loại sợi tự nhiên như bông hơn Polyester.
Tổng kết: Với tình hình nguồn nguyên liệu bông sẽ còn nhiều biến động dưới tác động của các yếu tố kinh tế – xã hội toàn cầu, Synex luôn nỗ lực cập nhật những thông tin mới nhất mang tính thời sự và tự tin hỗ trợ khách hàng không chỉ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đáp ứng đúng yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu hàng dệt may. Đồng thời, Synex là nhà cung cấp vải dệt kim đáng tin cậy cho các sản phẩm chứa thành phần bông/Cotton với mức giá tốt trong từng giai đoạn thị trường.
Xem thêm: vải Cotton