Vải thun Polyester, sự lựa chọn thời trang vượt thời gian
Vải thun Polyester, một trong những loại vải phổ biến nhất trong ngành công nghiệp thời trang, là chủ đề chính của bài viết này. Nhưng liệu bạn đã hiểu rõ về sự đa dạng và tính năng vượt trội của loại vải này? Hãy cùng chúng tôi khám phá những đặc tính độc đáo […]
Vải thun Polyester, một trong những loại vải phổ biến nhất trong ngành công nghiệp thời trang, là chủ đề chính của bài viết này. Nhưng liệu bạn đã hiểu rõ về sự đa dạng và tính năng vượt trội của loại vải này? Hãy cùng chúng tôi khám phá những đặc tính độc đáo của vải thun polyester – từ độ bền và khả năng giữ dáng đến tính linh hoạt trong ứng dụng. Bài viết này không chỉ giới thiệu về nguồn gốc và cấu tạo của vải polyester, mà còn phân tích ưu và nhược điểm của nó trong thời trang và cuộc sống hàng ngày.
Vải thun Polyester là gì?
Trên thị trường hiện nay, vải thun Polyester được biết đến phổ biến là loại vải từ dệt kim đan ngang tròn có tính linh hoạt, bền bỉ, co giãn và đàn hồi tốt so với các chất liệu vải khác.
Vải được sử dụng rộng khắp bởi sự đa dạng của mẫu mã thiết kế, màu sắc hoa văn phong phú, đồng thời vải thun dễ sản xuất, kiểm soát chất lượng dễ dàng hơn, thời gian sản xuất tương đối ngắn và ra thành phẩm nhanh đáp ứng được tốc độ, thị hiếu của thị trường.
Vải thun từ Polyester đa dạng trọng lượng nhưng nhìn chung tương đối nhẹ, nhanh khô, bền bỉ giá thành cạnh tranh rất dễ tìm ở các chợ truyền thống cũng như các nhà cung cấp vải lớn.
Phân loại vải thun Poly
Theo kiểu dệt
Single Jersey (thun trơn)
Vải Single Jersey còn gọi là thun trơn có kiểu dệt cơ bản và đơn giản nhất, có mặt phải và mặt trái phân biệt rõ ràng.
Vải mỏng nhẹ, co giãn, linh hoạt và làm từ Polyester nên nhanh khô, thoáng khí, thoải mái, chắc chắn, bền bỉ và rất dễ chăm sóc. Hạn chế lớn nhất chính là biên vải dệt có xu hướng quăn và cuộn mép.
Vải dệt kim Jersey là một trong những lựa chọn phổ biến cho quần áo, làm áo thun T-shirts, áo kiểu, quần legging, quần đùi và đồ lót. Vải cũng thường được in logo, hoa văn với màu sắc nổi bật để thêm nét độc đáo, sinh động.
Lacoste (thun cá sấu)
Vải Lacoste hay thun cá sấu – lấy tên từ thương hiệu áo thun Polo nổi tiếng – Lacoste có kiểu dệt Pique. Pique là sự kết hợp có quy luật của các mũi dệt knit (mũi dệt) – tuck (mũi gài) tạo kết cấu bề mặt có độ sâu hiệu ứng hình tổ ong, ô đa giác.
Vải Pique một mặt hay Lacoste – biến đổi từ cấu trúc Single Jersey trên một giường kim gồm Single Lacoste (knit-tuck-knit) và Double Lacoste (knit-tuck-tuck-knit).
Vải Pique hai mặt – biến đổi từ cấu trúc Interlock trên hai giường kim. Hai loại vải có tính chất gần giống nhau, tuy nhiên Pique hai mặt sẽ dày, chắc chắn hơn.
Vải nhẹ, cấu trúc lỗ lưu thông khí cho da và mao dẫn tốt nhờ đó thoải mái, mát mẻ và khô ráo. Vải có thể cứng hoặc mềm phụ thuộc vào chất liệu sợi và mật độ. Vải ít co giãn, càng dày và càng chặt thì càng kém đàn hồi. Vải có thể chịu được mài mòn, chống nhăn và hạn chế bị vón.
Vải Lacoste sử dụng chính để may áo Polo cho đồ thể thao như golf, tennis,.. hoặc cho quần áo công sở, đồng phục. Vải có hiệu ứng hoa văn và kết cấu tinh tế tạo sự trang nhã, thanh lịch.
Mini Zurry (thun da cá)
Vải Mini Zurry còn gọi là Mini Terry, thun da cá. Mini Zurry có kết cấu hai sợi gồm một sợi nền và một sợi tạo vòng. Mặt phải giống như Single Jersey, mặt trái có các vòng sợi từ mũi dệt tuck xếp chồng khít lên nhau như vảy cá.
Vải có trọng lượng từ nhẹ đến trung bình, cấu trúc đơn giản từ hai hệ sợi nên mỏng và nhẹ hơn French Terry nhưng liên kết dệt yếu hơn, trầy xước hay móc sợi ở mặt trái dễ gây tuột vòng. Vòng sợi nổi trên mặt trái tạo các rãnh giúp mau dẫn tốt (wicking).
Thành phần Polyester cách nhiệt và giữ nhiệt tốt nên có thể lựa chọn để giữ ấm và chống lạnh. Vải không dễ nhăn vì cấu trúc dày, chắc chắn, chăm sóc dễ dàng.
Vải thun da cá là một lựa chọn tốt cho quần áo rộng rãi như quần thể thao, áo hoodie, áo chui đầu và thậm chí cả quần đùi. Có thể sử dụng vải vào mùa đông là áo len, áo khoác và quần dài.
French Terry (thun chân cua)
Vải French Terry còn gọi là vải thun chân cua. French Terry có ba sợi gồm một sợi nền, một sợi liên kết và một sợi tạo vòng. French Terry có cấu trúc gần giống Mini Zurry nhưng có thêm sợi liên kết giữa hai mặt, vòng sợi tuck ở mặt trái rộng hơn dạng như chân cua và ít bị tuột vòng, vì thế giá thành cao hơn. Vải được xem là một lựa chọn cao cấp cho chất liệu vải kiểu này.
Về tính chất, vải French Terry cũng gần tương tự như Mini Zurry nhưng trọng lượng nặng hơn trong khoảng từ trung bình đến nặng, vải dày và đầy đặn chắc chắn hơn.
Thun chân cua là lựa chọn tốt cho quần áo rộng rãi như quần thể thao, áo hoodie, áo chui đầu và quần đùi hoặc vào mùa đông gồm áo len, áo khoác và quần dài.
Mesh (thun lưới)
Vải Mesh đan ngang gọi là vải thun lưới, vải Bird-eye Mesh hay vải lưới mắt chim. Vải được hình thành do sự phối hợp các mũi dệt cơ bản như knit, tuck, miss và chuyển vòng tạo hiệu ứng lỗ nhỏ (eyelet) hoặc lỗ giống như mắt chim.
Vải có cấu trúc texture bề mặt lỗ đặc biệt, thấm và thoát hơi tốt, nhanh khô. Kết cấu bề mặt độc đáo, mỏng nhẹ, đàn hồi, co giãn tốt và độ bền cao. Vải Mesh có thể sử dụng cho đồ thể thao và các loại quần áo thông thường như thun T-shirt, áo/ quần short thể thao,…
Rib 1×1, 2×2 (thun gân)
Vải Rib hay thun gân – có các đường gân nổi trên bề mặt vải, các đường gân này chạy song song với đường biên vải ở cả hai mặt. Rib 1×1 & Rib 2×2 là có độ rộng các đường gân bằng nhau và giống nhau ở hai mặt, Rib 1×1 chặt và chắc chắn hơn, Rib 2×2 linh hoạt hơn.
Cấu trúc vải linh hoạt, co giãn tốt theo chiều ngang, tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng – thun gân 2 chiều. Rib không có độ giãn theo chiều dọc, nên có thể chèn thêm sợi Spandex để có thể co giãn đồng thời chiều ngang và dọc – thun gân 4 chiều.
Vải dễ chăm sóc, ít bị sờn rách do cấu trúc dệt hai lớp chắc chắn. Có xu hướng chống nhăn, phục hồi tốt, chống quăn mép tốt do cấu trúc cân bằng tạo sức căng đồng đều.
Rib mỏng trọng lượng nhẹ được ưa chuộng cho quần áo hay các chi tiết cần độ co giãn, ôm sát cơ thể như áo cổ lọ, đầm ôm, áo cardigans, áo liền quần, đồ ngủ, áo T-shirt và hầu hết các mẫu áo ôm sát cho trẻ em.
Rib dày trọng lượng trung bình đến nặng, dùng làm điểm nhấn viền ngoài cho trang phục như viền cổ áo, cổ tay áo, cổ chân, vạt áo và viền thắt lưng.
Interlock (vải siu, silk, siêu)
Vải Interlock là một biến thể của Rib – các trụ vòng liên tiếp và nằm đối diện ngay sau trụ vòng của mặt còn lại. Interlock có hai mặt trơn giống nhau và giống mặt phải của Single Jersey, các cung vòng bị khóa ở giữa hai mặt vải.
Vải có hai lớp nhưng không thể tách rời (Double Knit), vì thế cấu trúc ổn định, ít co giãn. Không bị quăn mép, có thể trải phẳng, bề mặt trơn dễ dàng các bước in. Vải khá bền, cấu trúc dệt chặt chẽ, có khả năng chống mòn rách hay tưa vải. Chống nhăn, giữ dáng và bền đẹp trong thời gian dài.
Interlock phù hợp cho áo T-shirt, váy, quần và đầm bình thường cũng như quần áo trẻ em. Ngoài ra cũng là một lựa chọn cho các mặt hàng như áo polo.
Double Faced (Poly 2 da)
Vải Double faced hay Poly 2 da là vải hai mặt được dệt từ hai hệ sợi tạo nên kết cấu có thể sử dụng được ở cả hai mặt, tạo cảm giác như có hai lớp nhưng thực tế chỉ có một lớp. Thông thường hai mặt vải là giống nhau, trong một số ít kiểu vải biến đổi hai mặt có thể khác nhau.
Vải được dệt trên hai giường kim tương tự Rib hoặc Pique sử dụng linh hoạt các mũi dệt knit/ tuck/ miss để tạo cấu bề mặt vải đa dạng và kiểu dệt Jacquard cũng có thể được kết hợp để tạo hai mặt nhiều họa tiết, hoa văn dệt.
Vải có cấu trúc chắc chắn, các mép vải ít bị cong vênh hay quăn mép. Vải giữ form dáng tốt, hầu như không co giãn theo cả hai hướng.
Vải đứng form, thích hợp để mặc khoác ngoài như áo jacket, áo com-lê, váy liền thân, quần dài,…
Theo tính năng
Polyester là xơ nhân tạo tổng hợp hóa học nên có thể chủ động sửa đổi cấu trúc và thành phần để tạo ra xơ hiệu năng cao (high performance fiber), chẳng hạn:
- Polyester dạng lỗi rỗng (O-type), lỗi lõm chữ C (C-type) để tăng khả năng giữ nhiệt hay hút ẩm.
- Polyester dạng đa thùy để khả năng mao dẫn (wicking) cải thiện độ thấm hút.
- Microfiber Polyester: sợi siêu mảnh, cải thiện hand-feel mềm mịn, hút ẩm, giữ khí giữ ấm.
- Polyester Cation có thể nhuộm với thuốc nhuộm cation cho độ ăn màu tốt, màu tươi và bền màu cao (color fastness).
Bổ sung các thành phần khác vào dung dịch kéo sợi để tăng tính năng thay vì xử lý ngấm ép hoàn tất, chẳng hạn:
- Polyester siêu thấm hút, có chất hút ẩm tốt và làm mát.
- Thêm bột gốm ceramic có chức năng hấp thụ nhiệt rồi phát ra tia hồng ngoại nên sợi có khả năng giữ nhiệt và giữ ẩm tốt, thúc đẩy tuần hoàn máu và các chức năng chăm sóc sức khỏe khác.
- Thêm chất chống cháy phốt pho giúp chống cháy và chịu được nhiệt độ cao.
- Thêm phân tử nano bạc để có tính năng kháng khuẩn.
Các dòng sản phẩm Polyester chức năng – Hyosung như: Polyester cho cảm giác như Cotton (Cotna), mát mẻ (Askin/ Aerocool ), kháng mùi (Freshgear), sinh nhiệt (Aeroheat), bấm quăn – co giãn (Xanadu), sinh nhiệt hồng ngoại (Aerogear), mặt cắt ngang C-type (Aeorlight), bền màu cao (Prizma), kháng khuẩn (Aerosilver), sợi siêu mảnh microfiber ( m2).[1]
Các thương hiệu khác từ Mỹ, Nhật như Ichimura/ Teijin/ Toray/ Dupont.
Theo sự thân thiện với môi trường
Cùng với xu hướng bền vững và bảo vệ môi trường, các dòng sản phẩm từ Polyester từ nguồn tái chế và biến đổi để tự phân hủy sinh học.
- Polyester tái chế từ nhiều nguồn nhưng chủ yếu từ chai nhựa PET, giúp hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Các sản phẩm Polyester này cần được mua từ các đơn vị uy tín như Repreve (Unifi), RePET (Libolon), Regen (Hyosung),… để được có thể cấp được chứng nhận sản phẩm tái chế.
Xem chi tiết: Vải tái chế
- Polyester phân hủy sinh học có khả năng tự phân hủy sinh học mà không phải tồn tại hàng trăm năm trong môi trường sau sử dụng, là sản phẩm mới tham gia thị trường, đang nghiên được nghiên cứu và hoàn thiện. Một số đơn vị như Apexa® – Dupont, Ecoface® – Ichimura, Bioserica .
Tìm hiểu: vải phân hủy sinh học
Vải thun Polyester ứng dụng trong quần áo thể thao
Hiện nay, cuộc sống được cải thiện chúng ta quan tâm đến sở thích và sức khỏe thông qua các môn thể thao vận động, đồng thời chú trọng đến chất lượng đồ tập để hỗ trợ và tạo động lực tập luyện. Vải Polyester là vật liệu rất phù hợp cho quần áo thể thao, ngoài chức năng sử dụng, yếu tố thời trang cũng được quan tâm.
Đồ tập yoga/ tập gym: có bổ sung thành phần Spandex cao khoảng 12% để đạt mức độ co giãn cao, ôm sát và định hình cơ thể.
Đồ bơi: các thiết kế ôm sát màu sắc nổi bật, sử dụng chất liệu vải tốt và được xử lý để hạn chế ảnh thưởng từ Clo, nước biển.
Đánh Golf
Các môn thể thao phổ biến – Tennis, bóng rổ, đá banh
Một số thương hiệu thể thao ứng dụng vải Polyester
Nike
Adidas
Puma
Decathlon
Lululemon
Tìm hiểu về Polyester dùng cho vải thun
Tính chất của sợi Polyester
Ngày nay, Polyester là một trong những loại xơ được sử dụng nhiều nhất cho ngành dệt may. Do các đặc tính có lợi của nó, nhu cầu toàn cầu về xơ Polyester đã tăng lên trong nhiều thập kỷ như một lựa chọn thay thế cho bông và các xơ có nguồn gốc tự nhiên. Tính linh hoạt, độ bền, độ dẻo dai cao, khả năng chịu nhiệt, chống vết bẩn, chống nhăn, tính linh hoạt và giá cả kinh tế là những lý do chính giúp thúc đẩy xơ Polyester trên thị trường toàn cầu.
Sợi Polyester cực kỳ chắc và bền, chống lại hầu hết các hóa chất, chống giãn dài và co rút và chống nhăn. Polyester có bản chất kỵ nước và nhanh khô.
Polyester là xơ tổng hợp ra thông qua quá trình trùng hợp của vật liệu như PTA (Purified Terephthalic Acid) và MEG (Mono Ethylene Glycol) dưới nhiệt độ và áp suất cao. Sau quá trình ép đùn dung dịch, đông tụ Polymer hình thành sợi Polyester.
Vì được sử dụng cho quần áo, nên Polyester cần bổ sung thành phần TiO2 để giảm độ bóng của Poly, giảm độ xuyên thấu ánh sáng hoặc bổ sung yếu tố màu sắc. Trên thị trường, các nhà cung cấp sẽ bán Polyester ở dạng Chip cho kéo sợi với ba loại chính:
- Sáng (Bright-BR): chứa khoảng 0,1% TiO2, hơi mờ.
- Bán mờ (Semi Dull-SD): chứa từ 0.3%-0.5% TiO2, màu trắng nhẹ.
- Mờ (Full Dull-FD): chứa từ 2.5% TiO2, màu trắng đục.
Các đặc tính của sợi bao gồm chiều dài (xơ dài liên tục-filament hoặc xơ cắt ngắn – staple), kích thước và bề mặt ngoài. Những đặc tính này sẽ ảnh hưởng đến mục đích sử dụng cuối cùng như khả năng sử dụng, tính thẩm mỹ, độ bền, sự thoải mái, khả năng bảo quản và chăm sóc.
Xơ dài liên tục Poly (Filament)
Xơ có chiều dài thực tế không giới hạn hoặc vô hạn được gọi là filament hay xơ dài liên tục. Filament có thể là sợi tự nhiên như tơ tằm hoặc sợi tổng hợp như Nylon, Polyester, Polyamide. Sợi filament được đo bằng yard hoặc mét.
Polyester filament tạo thành sau khi ép đùn qua đầu phun spinnerest kéo thành sợi filament liên tục. Các sợi filament đơn lẻ được nhóm lại thành một bó sợi theo chi số denier/ số lượng filament. ví dụ: 75D/36F
Đơn vị Denier được định nghĩa là trọng lượng trên đơn vị chiều dài, cụ thể:
9000 mét sợi/1 gram = 1 denier
Chi số sợi đa dạng, số denier càng lớn thì sợi càng nặng, dày và rẻ hơn, ngược lại số denier càng nhỏ thì sợi sẽ càng nhẹ, mỏng hơn và đắt tiền hơn:
- 30D/24F
- 50D/: 24F, 48F, 96F
- 75D/: 36F, 72F, 144F
- 150D/: 24F, 36F, 48F, 72F, 96F, 144F, 192F, 288F
- 300D/: 96F, 192F
Để có độ uốn tương tự như xơ tự nhiên, sợi filament được định hướng và bấm quăn ở các dạng [2]:
- Pre Oriented Yarn-POY: chỉ được kéo căng định hướng một phần, dùng để bấm xoăn sợi ở bước tiếp theo hoặc dùng đánh beam sợi dọc dệt thoi.
- Fully Oriented Yarn-FOY: được kéo căng hết cỡ định hướng hoàn toàn, còn gọi Fully Drawn Yarn-FDY, có độ bền kéo cao, sợi mảnh mịn có thể sử dụng làm sợi ngang dệt thoi và trực tiếp cho dệt kim.
- Drawn Textured Yarn-DTY: được kéo căng định hướng hoàn toàn kèm xoắn tạo xoăn với độ uốn xoăn mềm (soft crimp), độ phồng cao (high bulk) và kết cấu cảm giác như Cotton cũng như độ bền, ổn định rất cao, khả năng nhuộm tốt.
Các filament cũng được bấm đốt để có thể liên kết như:
- Bấm đốt thưa (Non- Intermingle-NIM: 0-10 đốt bấm/m).
- Bấm đốt vừa (Semi-Intermingle-SIM: 40-50 đốt bấm/m).
- Bấm đốt dày (High-Intermingle-HIM: 100-120 đốt bấm/m).
Bó các sợi filament thành phẩm được gọi là sợi Poly, được quấn lên ống hình trụ và có thể sẵn sàng để dệt thành vải.
Tính chất sợi filament trơn:
- Ngoại quan của sợi mịn và nhỏ gọn, giống như lụa tơ tằm sáng bóng.
- Độ hút ẩm rất thấp.
- Sợi có độ bền chắc cao, độ bền vải tốt.
- Vải không dễ vón hạt, dễ tĩnh điện, dễ bám bẩn.
- Độ che phủ nhỏ, độ trong suốt lớn.
Tính chất sợi filament đã qua xử lý cơ học bấm quăn:
- Ngoại quan xơ uốn xoăn, phồng xốp mềm mại (fluffy), ít bóng hơn.
- Độ hút ẩm và độ bền cao hơn sợi trơn.
- Độ che phủ, độ trong suốt nhỏ hơn sợi xơ ngắn staple.
Xơ ngắn PE (Staple)
Bất kỳ loại xơ nào có chiều dài thực tế, giới hạn hoặc hữu hạn được gọi tắt là xơ ngắn hay xơ Staple gồm long-staple và short-staple tùy thuộc vào chiều dài xơ. Để có thể kéo sợi hiệu quả trên quy trình công nghiệp, độ dài xơ thường từ 35 ~ 150mm.
Ví dụ: Loại xơ có chiều dài nhất định như bông (short-staple), len (long-staple), … hay filament nhân tạo cắt ngắn như Viscose/Rayon, Polyester. Ngành công nghiệp kéo sợi xơ ngắn dựa trên chi số Anh đo bằng đơn vị Ne (viết tắt là ’s), được định nghĩa là trọng lượng trên đơn vị chiều dài, cụ thể:
Số lượng lọn sợi (hank) trên 840 yard/1 pound = 1 Ne = 1’s
Sử dụng hệ thống này, chi số sợi càng lớn thì sợi càng mảnh và ngược lại chi số càng nhỏ thì sợi càng thô. Xơ ngắn staple Polyester đóng một vai trò thiết yếu trong ngành dệt may do một số ưu điểm về đặc tính của nó.
Các đặc tính của xơ ngắn PE:
- Ngoại quan có độ xù lông (hairiness), có hình thức bên ngoài rất gần với sợi bông và len, không dễ trơn tuột.
- Mao dẫn và thấm hút tốt hơn filament.
- Độ bền (strength) của sợi thấp hơn so với sợi filament.
- Độ dài xơ đồng đều và độ mảnh đồng nhất hơn xơ tự nhiên Cotton.
- Dễ vón hạt (Pilling) hơn filament và dễ bị dây bẩn.
- Độ che phủ và độ xuyên thấu nhỏ.
Ngoài sự khác biệt về tính chất cơ lý, chiều dài, quy trình sản xuất của sợi xơ ngắn PE và sợi filament Poly thì tính chất hóa học điều không có sự khác biệt lớn.
Khi cắt ngắn Polyester có thể kéo được trên quy trình kéo sợi xơ ngắn, đồng thời có thể pha trộn với hai hay nhiều vật liệu khác nhau (Cotton, Viscose, Linen, len, Vinylon,…) để tạo ra cảm giác tay của sợi xơ ngắn, cải thiện chất lượng vải, giảm chi phí và thậm chí để tạo ra các hiệu ứng nhuộm khác nhau. Xơ ngắn phải được xe xoắn kéo thành sợi dài liên tục.
- Sợi xơ ngắn 100 Polyester: 100% PE
- Sợi pha đa dạng tỉ lệ thành phần: TC (>50% Polyester), CVC (<50 Polyester), TR (pha với xơ Rayon),…
Tổng kết lại
Vải thun thành phần Polyester là lựa chọn ưu tiên cho yêu cầu trọng lượng nhẹ, bền, màu sắc tươi và hạn chế co rút, ngoài ra có thể phối với Spandex hoặc Cotton. Synex mang đến bộ sưu tập đa dạng các sản phẩm vải dệt thun từ Polyester và có thể điều chỉnh lại thiết kế phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Nguồn tư liệu tham khảo
[1]https://www.hyosungtnc.com/en/fiber/polyester.do
[2]https://vnpolyfiber.com/poy-yarn-vs-fdy-yarn-vs-dty-yarn