Vải Polyester phân hủy sinh học từ nguồn nguyên liệu xanh
Rác thải nhựa/ Polyester – gánh nặng của trái đất Hiện nay, tình trạng rác thải nhựa đang ở mức đáng báo động trên toàn cầu. Chúng ta có thể tìm thấy rác thải nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi từ môi trường đất, nước và cả trong không khí. Điều này gây ảnh […]
Rác thải nhựa/ Polyester – gánh nặng của trái đất
Hiện nay, tình trạng rác thải nhựa đang ở mức đáng báo động trên toàn cầu. Chúng ta có thể tìm thấy rác thải nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi từ môi trường đất, nước và cả trong không khí. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường sống các sinh vật và chất lượng sống của con người.
Ô nhiễm vi nhựa – Micro plastic pollution
Hiện nay, trên 60% vật liệu dệt toàn cầu là nguyên liệu tổng hợp như Polyester, Nylon, Polyamide. Quần áo từ vải sợi tổng hợp khi vứt ra môi trường cũng có tác hại tương tự như túi nilon, chai nhựa,… Các vi nhựa như xơ sợi (dài chưa đến 5mm) phân rã từ vải hay phân tách từ quá trình sản xuất, giặt quần có thể thải hàng triệu tấn vi nhựa vào đại dương mỗi năm góp phần gây ra ô nhiễm cho biển và đại dương.
Polyester phân hủy sinh học từ sản phẩm nông nghiệp
Polyester nguồn gốc sinh học (Bio-based Polyester)
Polyester truyền thống có nguồn gốc dầu mỏ và hầu hết rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Đồng thời, dầu mỏ là nguồn nguyên liệu hóa thạch hữu hạn sẽ cạn kiệt trong tương lai và đòi hỏi cần có nguồn nguyên liệu mới thay thế.
Polyester nguồn gốc sinh học được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tái tạo – các sản phẩm nông nghiệp như tinh bột ngô, sắn hoặc mía,… mà không phụ thuộc nguồn nguyên liệu dầu mỏ. Trong số các Polyester này chỉ có một số loại có thể phân hủy sinh học. Cụ thể, Polyethylene (PE), Poly Trimethylene Terephthalate (PTT- sợi Sorona) dù có thể được sản xuất từ sinh khối hoặc nguyên liệu tái tạo nhưng chúng không thể phân hủy sinh học.
Polyester phân hủy sinh học (Biodegradable Polyester)
Trong dệt may, ngô là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất Polyester phân hủy sinh học. Polyester phân hủy sinh học dựa trên nguồn nguyên liệu tái tạo có một phần cấu trúc hóa học đặc trưng Polyester và một số tính chất sử dụng tương tự. Tùy vào quá trình xử lý hóa học và cấu trúc mạch polime mà có thể chia làm nhiều loại như Polylactic axit (PLA), Poly Hydroxybutyrate (PHB), Poly Hydroxyalkanoate (PHA),… Trong đó, nhựa sinh học PLA được sử dụng phổ biến hơn do tính ứng dụng đa dạng của nó.
Tốc độ phân hủy vượt trội của Polyester sinh học
Polyester thông thường có độ bền cao và rất khó phân hủy. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng Polyester sẽ mất ít nhất 300 năm để phân hủy hoàn toàn. Điều này có nghĩa là quần áo và các sản phẩm khác làm từ những sợi này sẽ nằm trong các bãi chôn lấp hoặc tự do ngoài môi trường hàng trăm năm mà không bị phân hủy.
Phần lớn các Polyester phân hủy sinh học có cấu trúc bán tinh thể, nhiệt độ nóng chảy và nhiệt độ chuyển tiếp thủy tinh thấp, độ ổn định thủy phân kém, có khả năng hút nước từ trung bình đến cao khi tiếp xúc với độ ẩm. Điều này, giúp Polyester phân hủy sinh học dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tùy thuộc vào thành phần, mức độ kết tinh và điều kiện môi trường, thời gian phân hủy có thể từ vài tháng đến vài năm. Khi bị vi sinh vật tác động, loại Polyester này sẽ phân hủy hoàn toàn thành CO2, H2O, sinh khối, phân mùn có lợi cho đất,…
Polyester phân hủy sinh học từ tiêu dùng đến thời trang
Hiện nay, nhựa phân hủy sinh học được tìm thấy rất phổ biến trong tiêu dùng như bộ dụng cụ ăn uống dùng một lần (cốc uống nước, dao nhựa, khay, đĩa thức ăn và hộp đựng thức ăn, ống hút), túi đựng rác và mua sắm, và các vật liệu đóng gói nói chung.
Một số loại vải từ Polyester tại synex
Một số ứng dụng tiềm năng khác bao gồm tấm phủ, màng phủ nông nghiệp hay các màng sinh học để tái tạo mô cơ quan như mô xương, sụn, van tim cơ học,…
Xem ngay các loại vải polyester: Vải thun polyester
Polyester phân hủy sinh học cũng được kéo thành xơ sợi để sản xuất các sản phẩm vải dệt thoi, dệt kim và không dệt. Nó có cả khả năng phối trộn với nhiều nguồn vật liệu dệt khác nhau để tạo ra đa dạng mẫu mã sản phẩm.
Hơn nữa, các nguyên phụ liệu trong dệt may cũng đang bắt đầu ứng dụng loại Polyester này cho tem nhãn vải, túi poly đóng gói,…
Tầm nhìn tương lai cho ngành công nghiệp thời trang thân thiện môi trường
Ô nhiễm nhựa tàn phá các đại dương và hệ sinh thái đất liền trên toàn thế giới và phần lớn vấn đề của vi nhựa đến từ quần áo Polyester. Có tới 99% quần áo qua sử dụng được xử lý bằng biện pháp chôn lấp hoặc đốt, chỉ 1% hàng dệt có thể được tái sử dụng và tái chế, cho thấy rằng một lượng khổng lồ quần áo thải ra môi trường và sẽ sớm bị quá tải. Hơn nữa, Polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ và ngành công nghiệp sản xuất dầu mỏ là ngành gây ô nhiễm nhất thế giới.
Hiện nay, các sản phẩm thời trang từ nguồn nguyên liệu Polyester vẫn còn chiếm thị phần khá cao trong chuỗi sản xuất và cung ứng do ưu điểm về giá, sản lượng, tính nhẹ, bền và linh hoạt. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt may nói riêng đang dần chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng hướng tới sản xuất và phát triển bền vững.
Vì vậy, Polyester truyền thống được thay thế bởi các nguồn Polyester khác như Polyester tái chế từ chai nhựa ( Recycled Polyester), Polyester có nguồn gốc sinh học (Bio-based Polyester), Polyester phân hủy sinh học (Biodegradable Polyester).
Trong thực tiễn, Polyester tái chế có thể giải quyết được một phần vấn đề rác thải nhựa nhưng khi thải ra môi trường vẫn có tác hại như rác thải thông thường. Tương tự, Polyester nguồn gốc sinh học có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu xanh, giảm việc sử dụng nguyên liệu dầu mỏ nhưng một số Polyester này vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài trong môi trường tự nhiên sau sử dụng.
Polyester phân hủy sinh học có nguồn gốc sinh học là giải pháp triệt để cho vấn đề từ đầu vào nguồn nguyên liệu sản xuất cho đến vấn đề môi trường. Vì đây là vật liệu mới nên mức độ phổ biến còn hạn chế cần nghiên cứu sâu rộng hơn để được ứng dụng nhiều hơn trong dệt may. Bên cạnh đó, cần có mức độ cam kết của xã hội trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải và bảo tồn nhiên liệu hóa thạch không thể thay thế.
Hiện nay, các thương hiệu thời trang đã đang đề xuất khuyến khích các nhà cung cấp vải và nguyên phụ liệu sử dụng nguyên liệu thay thế cho Polyester truyền thống. Đồng thời, các thương hiệu cũng tạo ra các chiến dịch truyền thông giúp cung cấp kiến thức, vai trò, ý thức của người tiêu dùng trong việc chung tay bảo vệ môi trường khi lựa chọn sản phẩm.
Một số nhà cung cấp Polyester phân hủy sinh học:
APEXA®: Dupont (Mỹ) đã phát triển ra sợi Polyester Apexa có khả năng tự phân hủy sinh học có độ bền và khả năng chịu nhiệt tốt, có thể pha trộn với các loại xơ sợi tự nhiên như len, bông hoặc vật liệu dệt xenlulo để tăng cường tính chất sử dụng như mềm min, bền hơn. Nhà sản xuất đồ thể thao Nhật Bản Goldwin bắt đầu tiếp thị đồ thể thao sử dụng sợi Apexa.
ECOFACE®: Ichimura Sangyo – Toray group (Nhật) hợp tác với Dupont tạo ra sợi Polyester phân hủy sinh học với tên thương mại Ecoface có chứa thành phần nhựa Apexa®.
KINTRA FIBER (PBS): Thương hiệu Pangaia kết hợp với Kintra fiber – sợi Polyester phân hủy sinh học để tạo ra sản phẩm thời trang được giới thiệu trên các trang Forbes, Fast Company và Business Insider về công nghệ sợi mới góp phần làm giảm ô nhiễm vi nhựa.
MANGO MATERIAL (PHA): Thương hiệu chuyên cung cấp sợi Polyester phân hủy sinh học, đặc biệt thay vì sử dụng tinh bột ngô là nguồn cung cấp sinh khối, Mango Material tận nguồn phát thải metan để tạo PHA thông qua sự hoạt động của các vi sinh vật.
BIOSERICA (PHA): Tương tự, Bioserica cũng dùng vi sinh vật để chuyển hóa tinh bột ngô thành PHA đồng thời còn bổ sung thêm khả năng kháng khuẩn trên sợi.
PYRATEX® (PLA): Nhà cung cấp vải Polyester PLA phân hủy sinh học và đã từng hợp tác với các thương hiệu như Fiorucci, Pangaia, AZ Factory, Phillip Lim, Camper hay Asics.
Một số nhà cung cấp nhựa phân hủy sinh học nói chung: NatureWorks, BioMatera, Perstop, Solvay, Novamont, Mitsui, Corbion and Dow.
Hòa cùng xu hướng phát triển của Polyester phân hủy sinh học, hiện tại Synex đang trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp nhằm có thể đưa đến thị trường trong thời gian sớm nhất.