Độ co rút vải thun Cotton, vì sao cần quan tâm đến độ co rút
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm may mặc sản xuất từ vải thun cotton, tuy nhiên người tiêu dùng phần lớn lại chưa biết và hiểu rõ về độ co rút vải thun Cotton bị ảnh hưởng bởi các nhân tố nào để giảm thiểu việc co rút của sản phẩm mình mua về […]
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm may mặc sản xuất từ vải thun cotton, tuy nhiên người tiêu dùng phần lớn lại chưa biết và hiểu rõ về độ co rút vải thun Cotton bị ảnh hưởng bởi các nhân tố nào để giảm thiểu việc co rút của sản phẩm mình mua về gây lãng phí tiền bạc. Sau đây Synex sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về độ co rút đối với vải Cotton có mực độ thế nào và bị do nguyên nhân nào?
Định nghĩa độ co rút vải và quần áo
Vì sao cần quan tâm đến độ co rút của vải thun?
Sự co rút của vải có khả năng làm hỏng cấu trúc quần áo, để lại sự mất thẩm mỹ và không hài lòng của người tiêu dùng.
Nếu vải bị co rút sau khi cắt hoặc may, sản phẩm may mặc thành phẩm sẽ bị biến dạng, đường may bị nhăn nheo, hoặc bị hao hụt số lượng vải.
Ngoài ra, quần áo co rút mạnh sau mỗi lần giặt sẽ gây phiền toái cho người sử dụng.
Thế nào là độ co rút?
Độ co rút là sự giảm kích thước theo chiều dài và chiều rộng của vải và quần áo sau quá trình xả nghỉ, là ủi, giặt, sấy, phơi và sử dụng.
Một số loại vải đạt co rút tốt tại synex
Vì sao vải Cotton thường hay co rút?
Các loại vải cotton thường dễ mất ổn định về kích thước, đặc biệt là các loại vải cotton dệt kim rất nhạy cảm với các lực tác dụng, sức căng và độ ẩm.
Xu hướng co rút trở lại trạng thái cân bằng tự nhiên
Cotton có nguồn gốc cellulose và bản chất không có tính đàn hồi. Nhưng trong quá trình sản xuất, cotton bị kéo căng đến mức tối đa do lực tác động từ bên ngoài khi kéo sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất.
Sức căng trong dây chuyền kéo sợi thô. Sức căng hình thành nên vòng sợi từ quá trình hạ trục vải và từ các cơ chế rải sợi trên máy dệt kim. Sức căng trong quá trình di chuyển của vải bên trong máy giặt tẩy và nhuộm cũng như các công đoạn hoàn tất.
Khi sức căng được giải phóng, vải có xu hướng tự co rút trở lại trạng thái cân bằng tự nhiên. Do đó, vải cotton cần được xả nghỉ đủ thời gian để ổn định kích thước trước các công đoạn cắt may, hạn chế được sức căng còn lưu lại trên vải gây co rút không mong muốn.
Khả năng hút nước và trương nở của Cotton
Cotton là một trong những xơ gốc thực vật có khả năng hút ẩm và hút nước tốt. Vải Cotton khi cho vào nước sẽ xảy ra hiện tượng trương nở và làm vải co lại. Nguyên nhân chủ yếu là do khi vải mềm ướt mà không có sức căng sẽ xuất hiện sự trương nở của xơ, sợi trở nên dày hơn, tăng độ uốn độ gấp khúc trong các vòng sợi dẫn đến rút ngắn chiều dài vòng sợi và gây ra co rút. Tỷ lệ độ trương nở của sợi Cotton nhiều hơn trên sợi pha Cotton/ Polyester.
Trong hình, vòng sợi bên trái được kéo dài theo hướng chiều dài dưới sức căng. Sau khi vải được co lại do sự trương nở trong điều kiện không có sức căng, vòng sợi có hình dạng tròn như hình bên phải – vòng sợi trạng thái không sức căng.
Ngoài ra, cotton cũng nhạy cảm với nước có nhiệt độ cao và co rút mạnh lên đến 20%. Nếu sử dụng nước ấm, tỷ lệ co rút giảm xuống 8-10%. Với nước lạnh ở điều kiện thông thường vải có độ co rút ít nhất. Do đó, cách tốt nhất để giặt vải cotton là sử dụng nước lạnh, hạn chế sử dụng nước có nhiệt độ cao.
Dễ bị tác động bởi ngoại lực trong quá trình giặt, vắt và sấy khô
Vải cotton mắc phải hai nhược điểm chính là bị co rút và nhàu trong những lần giặt, vắt và sấy. Các quy trình khác nhau này sẽ phá vỡ cấu trúc ban đầu của vải. Cụ thể, nước có tác dụng như chất bôi trơn làm di chuyển các chuỗi polyme của cellulose và phá vỡ các liên kết hydro ban đầu. Dưới tác động của việc giặt, vắt các chuỗi polyme di chuyển tự do. Các liên kết mới được hình thành sau đó trong trạng thái trương nở và bị khóa ở vị trí mới khi sấy khô gây nên nhàu. Đồng thời sau khi sấy khô, xơ bị mất nước và co rút mạnh.
Nhìn chung, các yếu tố sau đây ảnh hưởng đến độ co rút trong chu trình giặt, sấy:
- Nhiệt độ cao.
- Tác dụng hóa học của nước và chất tẩy rửa trong bồn giặt.
- Tác động cơ học của việc vắt trong bước giặt.
- Tác động cơ học của việc nhào lộn trong bước sấy khô (Trừ khi quần áo được sấy khô khi treo hoặc trải phẳng để khô từ từ).
Việc sử dụng nhiệt độ thấp hơn trong các bước giặt và sấy khô cũng như sử dụng chất tẩy nhẹ hơn trong bước giặt sẽ làm giảm mức độ co rút trong mỗi lần giặt, sấy.
Vật liệu sợi tái sinh có độ co rút cao
Xơ tái sinh là vật liệu tổng hợp gốc cellulose và có tính chất sử dụng gần tương tự Cotton. Xơ tái sinh có đa dạng các chủng loại gồm viscose/rayon, modal, lyocell/ tencel, bamboo, cupro.
Ngoài các yếu tố ảnh hưởng độ co rút nêu trên như cotton, xơ tái sinh hút ẩm nhiều hơn thể hiện qua giá trị hồi ẩm cao và dẫn đến co rút nhiều hơn.
Vật liệu dệt | Độ hồi ẩm |
---|---|
Len | 15.5% |
Viscose/ Rayon | 13.0% |
Tencel/ Lyocell | 12.0% |
Cupro | 12.0% |
Modal | 11.0% |
Tơ tằm | 10.0% |
Cotton | 8.0% |
Nylon | 4.0% |
Polyester | 0.5% |
Đồng thời, xơ có độ bền ướt kém hơn dễ bị phá hủy bởi các tác động mạnh của quá trình giặt máy. Do đó, vải từ sợi tái sinh sẽ dễ nhàu và co rút nhiều. Nhãn chăm sóc luôn khuyến khích giặt tay cho các sản phẩm có thành phần từ sợi tái sinh.
Cách kiểm soát độ co rút khi sản xuất
Để kiểm soát mức độ co rút và điều chỉnh thông số sản xuất phù hợp, chúng ta luôn cần đo lường mức độ co rút của vải. Một số cách kiểm soát độ co phổ biến:
- Vải: cắt miếng vải kích thước 50x50cm, đánh dấu các điểm làm chuẩn cho giặt phơi rồi đo lại vị trí ban đầu so sánh và tính độ co.
- Quần áo: may mockup áo đánh dấu vị trí điểm đem giặt, phơi rồi đo lại kích thước so sánh và tính độ co.
- Gửi đến các công ty kiểm định độc lập để kiểm tra độ co theo tiêu chuẩn.
Các phương pháp thử nghiệm khác nhau được sử dụng tùy theo thị trường của sản phẩm (Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật,…) và các phương pháp giặt dự kiến trong thực tế. Chủ yếu là tiêu chuẩn I.S.O. và AATCC được sử dụng để kiểm tra độ co rút. Có một số thương hiệu đang tùy chỉnh phương pháp kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng của họ. Một số tiêu chuẩn kiểm định phổ biến:
- AATCC Test Method 135 – Thay đổi kích thước của vải sau khi giặt tại nhà: xác định sự thay đổi kích thước của hàng may mặc khi trải qua quy trình giặt tại nhà mà người tiêu dùng sử dụng. Phương pháp này dành cho vải chưa được may thành quần áo.
- AATCC Test Method 150 – Thay đổi kích thước của quần áo sau khi giặt tại nhà: Xác định các thay đổi về kích thước của quần áo khi trải qua các quy trình giặt tại nhà mà người tiêu dùng sử dụng.
- ISO 5077 – Xác định sự thay đổi kích thước trong giặt và sấy.
- ISO 3759 – Chuẩn bị, đánh dấu và đo lường các mẫu vải và hàng may mặc trong các thử nghiệm xác định sự thay đổi kích thước.
Phương pháp cải thiện độ co vải thun
Việc điều chỉnh tỷ lệ co rút bằng không dường như không thực tế. Dù cho loại vải nào và trải qua bất kỳ quy trình nào, hầu như luôn có một số mức độ co rút nhất định. Điều quan trọng là sự kiểm soát ở những quá trình xử lý tiếp theo và hạn chế tối đa độ co rút.
Đối với vải thun Cotton
Tối ưu thông số kỹ thuật trong quá trình dệt: điều chỉnh chiều dài vòng sợi, trọng lượng, sức căng.
Sơ bộ đúng thông số đối với vải có thành phần spandex/ lycra: Ước tính mức độ co giãn mong muốn tương ứng phần trăm tỉ lệ thành phần spandex/ lycra.
Điều chỉnh sức căng thấp trong suốt quá trình xử lý vải. Không kéo căng vải theo hướng ngang, dọc vượt quá giới hạn đàn hồi trong quá trình hoàn tất.
Xử lý wash bằng máy nén compactor, chất liên kết chéo hoặc sấy thư giãn: Máy nén compactor dùng lực nén để rút ngắn vải nhằm giảm độ co rút theo chiều dài, chủ yếu dùng trên vải dệt kim dạng ống. Chất liên kết chéo được sử dụng để ổn định vải dệt kim gốc cellulose, vải hoàn tất ở dạng mở khổ.
Xử lý co trước – preshrunk: Là phương pháp xử lý nhiệt bằng nước và hơi nước liên tục để làm co xơ, sợi và ổn định kích thước. Điều này là để ngăn vải bị co rút trong quần áo may sẵn (ngăn ngừa co rút quá mức). Các loại vải không xử lý co trước có xu hướng co lại do ảnh hưởng của độ ẩm và nhiệt độ cao.
Trước khi cắt vải cần xả nghỉ đủ thời gian: Vải đóng gói ở dạng cuộn hoặc kiện nên làm phát sinh sức căng bên trong vải. Dó đó, cần phải xả nghỉ vải trong một khoảng thời gian cần thiết để ổn định kích thước, từ 12-48 tiếng trước khi cắt.
Tính toán độ co rút trừ hao khi cắt vải: Cần kiểm tra đo mẫu, ước tính thông số co rút sẽ xảy ra trên vải sau quá trình giặt sấy nhằm tính toán dung sai, hao hụt cho kích thước rập và tổng số lượng vải cần thiết.
Đối với quần áo thành phần cotton
Đóng gói vải, áo quần với sức căng thấp, hạn chế nén: Vải và quần áo nhạy cảm với sức căng lớn khi đã đóng gói và sẽ dễ co rút sau quá trình vận chuyển và lưu trữ trong thời gian dài.
Khuyến cáo bảo quản, chăm sóc theo hướng dẫn của nhãn chăm sóc (care label).
Tóm lại về độ co rút vải thun Cotton
Vải cotton là lựa chọn không thể thay thế trong suốt thời gian dài do tính hút ẩm tốt, mềm mại, thân thiện với da. Mặt khác, do có nguồn gốc thực vật và có tính hút ẩm tốt làm vải dễ co rút và nhàu sau nhiều lần giặt, sấy. Tuy nhiên, nhược điểm này hoàn toàn có thể kiểm soát và cải thiện trong quá trình sản xuất.
Tham khảo các sản phẩm vải thun cotton: Vải thun cotton